KỲ 2: QUỐC GIA CÀNG NGHÈO TỬ VONG DO GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CÀNG CAO

KỲ 2: QUỐC GIA CÀNG NGHÈO TỬ VONG DO GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CÀNG CAO

BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ TAI NẠN GIAO THÔNG GIỮA CÁC QUỐC GIA VÀ KHU VỰC ĐỊA LÝ

          Theo thống kê từ Báo cáo toàn cầu về an toàn giao thông năm 2018, 2019  của WHO - Tổ chức Y tế thế giới - các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình có gánh nặng và tỷ lệ tử vong trên đường bộ cao nhất trên thế giới.

          Hầu hết các trường hợp tử vong trên đường bộ của thế giới xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, tỷ lệ lên đến 91%. Khoảng 62% số ca tử vong do giao thông đường bộ được báo cáo xảy ra ở 10 quốc gia đông dân - theo thứ tự mức độ từ cao đến thấp là Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Brazil, Iran, Mexico, Indonesia, Nam Phi và Ai Cập. Các quốc gia này chiếm 56%  dân số thế giới.  

           Ngoài việc chiếm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ cao nhất, tỷ lệ tử vong so với dân số cũng cao nhất ở nhóm thu nhập thấp và thu nhập trung bình.


Tỷ lệ tử vong do giao thông đường bộ trên 100.000 người dân tại các khu vực trên thế giới

(Nguồn: Báo cáo an toàn giao thông toàn cầu 2018, 2019 của WHO)

Các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, pháp luật liên quan đến an toàn giao thông và phương pháp tiếp cận đã góp phần giảm số tai nạn và tử vong do giao thông đường bộ đáng kể trong vài năm qua. Nhưng gánh nặng của tử vong do tai nạn giao thông đường bộ không đồng đều, tỷ lệ đặc biệt cao ở các nước có thu nhập thấp.  Cụ thể  tại Châu Phi, tỷ lệ đó là 32,2 người/100.000 dân năm 2019, gấp 1,7 lần so với mức trung bình của thế giới (với tỷ lệ trung bình 18,8 người/100.000 dân ), và gấp 2,4 lần so với các nước Châu Âu (13,4 người /100.000 dân), thậm chí gấp 3,9 lần so với các nước thu nhập cao như Đức, nơi tỷ lệ trung bình là 8,3 người chết/ 100.000 dân. 

            Có một sự thật hiển nhiên là các nước có thu nhập cao (chiếm 15% dân số) thì số lượng xe cơ giới chiếm tỷ lệ lớn (52%) trên thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông rất thấp (8%). Còn các nước có thu nhập thấp (chiếm 37% dân số) thì số lượng xe ô tô và xe cơ giới chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn (9%) nhưng tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông lên đến 42%. Hay các nước có thu nhập trung bình chiếm 48% dân số có 39% xe cơ giới và tỷ lệ tử vong là 50%. Điều này càng khẳng định các nước giàu kiểm soát chất lượng xe cơ giới tốt hơn, là một trong những lý do quan trọng để giảm thiểu tử vong do giao thông đường bộ.


Tỷ lệ dân số, tử vong do giao thông đường bộ và các phương tiện cơ giới trung bình toàn cầu theo thu nhập quốc gia

(Nguồn: Báo cáo an toàn giao thông toàn cầu 2018, 2019 của WHO)


MỘT NỬA SỐ NGƯỜI TỬ VONG DO TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ  LÀ ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ĐƯỢC QUAN TÂM KHI THIẾT KẾ HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ  

          Thật đáng buồn là hơn 50% số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ chủ yếu là người đi bộ, đi xe đạp và xe máy. Trên thực tế, khi thiết kế cơ sở hạ tầng đường bộ và thiết kế phương tiện tham gia giao thông đều chú trọng ưu tiên ô tô và các phương tiện vận tải cơ giới khác,  cho dù người đi bộ, người đi xe đạp và người đi xe máy dễ bị tổn thương hơn do ít được bảo vệ. Bất chấp tỷ lệ người tham gia giao thông phần lớn là người đi bộ, xe đạp và xe máy, nhiều người thậm chí không được cung cấp các phương tiện giao thông an toàn hơn, và bị bỏ quên trong phần lớn quy hoạch, thiết kế và vận hành đường bộ.

Ở nhiều quốc gia, tiêu chuẩn xây dựng đường bộ vẫn thiếu làn đường riêng cho người đi xe đạp, đi bộ, thậm chí  cho phép tốc độ lái xe cơ giới quá cao. Tương tự, trong khi các tiêu chuẩn kỹ thuật về phương tiện đã được phát triển cho người ngồi trên ô tô, nhưng rất nhiều quy định không được thực hiện rộng rãi trên các phương tiện được bán ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Chỉ những năm gần đây tại các quốc gia có thu nhập cao, nhiều nhà sản xuất ô tô mới bắt đầu thực hiện các quy định để đảm bảo rằng thiết kế đó cũng bảo vệ người đi đường bên ngoài xe, nhưng không hề có trong các thiết kế cùng chủng loại tại các nước có thu nhập thấp.


Người đi bộ chiếm tỷ lệ tử vong do  giao thông đường bộ khá cao

(Ảnh minh họa)

            Tại Việt Nam,năm 2019,  Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Kế hoạch năm an toàn giao thông  số 48/KH-UBATGTQG ngày 31/1/2019 với chủ đề An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông cho người đi xe máy. Ngay từ những tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã liên tục tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo các chuyên đề, trong đó nổi bật là các chuyên đề về ma tuý, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải, chuyên đề về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy…, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho người tham gia giao thông gắn với tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

        Đối với trẻ nhỏ, Cơ quan này cũng ban hành các văn bản về Trển khai nhiệm vụ cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đối với xe đưa đón học sinh (công văn số 356/CV-UBATGTQG ngày 7/8/2019), về Tổ chức thực hiện tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường (công văn số 380/CV-UBATGTQG ngày 21/8/2019), về Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh (công văn số 424/CV-UBATGTQG ngày 11/9/2019), nhằm nâng cao ý thức toàn dân trong bảo vệ học sinh, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong tham gia giao thông

      Bên cạnh đó, công tác cải tiến kết cấu hạ tầng giao thông đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Theo báo cáo Kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2019 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2019, cả nước đã xử lý 322 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, sơn kẻ 1.228 km vạch sơn đường, thay thế điều chỉnh 2.014 cụm biển báo, sửa chữa bổ sung 164 km hộ lan tôn sóng, xây dựng 12 đường cứu nạn, hốc cứu nạn … góp phần giảm tai nạn giao thông trên cả nước. Với những nỗ lực như trên, cùng với việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, kết quả giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam tương đối khả quan. Cũng theo báo cáo này, năm 2019 đã xảy ra 17.394 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 7.459 người và bị thương 13.569 người. So với năm 2018 giảm 936 vụ tai nạn (tương đương giảm 5,11%), giảm 595 người chết (tương đương giảm 7,39%), giảm 927 người bị thương (tương đương giảm 6,39%), mức giảm sâu nhất kể từ 2014 đến nay. Trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ năm 2019 là gần 63 triệu xe, tăng gấp 9 lần so với năm 2000 là gần 7 triệu xe, thì số người tử vong năm 2019 tương đương với mức 2000 (dưới 8.000 người).


Ngọc Anh - Khắc Thành

Phòng Chứng nhận Hệ thống – QUACERT